|
Phân loại chất thải rắn sinh hoạt đã được được huyện Long Hồ phối hợp với UBND các xã Phú Đức, Long Phước, Hòa Ninh, Bình Hòa Phước triển khai thí điểm từ năm 2019. Tuy nhiên, kết quả mang lại không như mong đợi, nếu không muốn nói là thất bại bởi vì đa phần việc thực hiện chỉ nhen nhóm ở dạng phong trào, hình thức ở một số nơi theo một vài thời điểm rầm rộ khi cơ quan chức năng cũng như các tổ chức đoàn thể thực hiện việc tuyên truyền và vận động, các hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt không được duy trì. Nghiên cứu thực hiện để đánh giá mức độ nhận thức, mức độ sẵn sàng thực hiện của người dân về các quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn qua đó đề xuất các hàm ý chính sách liên quan nhằm nâng cao ý thức của người dân về các quy định của pháp luật đối với hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn huyện Long Hồ. Nghiên cứu sử dụng khung lý thuyết của Lý thuyết về sự tham gia. Đồng thời, qua lược khảo các nghiên cứu trong và ngoài nước, tác đề xuất mô hình lý thuyết với 5 yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia của người dân về các quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, đó là: Trao quyền, Hợp tác, Tham gia, Tư vấn, Thông tin. Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng. Nghiên cứu định tính, tác giả thực hiện phỏng vấn với câu hỏi mở với các chuyên viên và lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (Phòng Tài Nguyên và Môi Trường), cơ quan chủ chốt thực hiện theo dõi tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (Phòng Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn) đối với các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi của người dân để có thêm thông tin đánh giá nhằm bổ sung và hoàn thiện các thang đo trước khi nghiên cứu chính thức. Nghiên cứu định lượng được thực hiện trên 220 hộ gia đình huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Kết quả khảo sát được xử lý với bằng phương pháp thống kê mô tả, thống kê tương quan, so sánh thực hiện trên phần mềm SPSS 20.0. Kết quả nghiên cứu cho thấy, kênh thông tin về áp dụng phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn của hộ gia đình cư dân huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long tới người dân chưa tốt, chính quyền chưa có những hỗ trợ cụ thể cho người dân tham gia phân loại rác tại nguồn nên người dân chưa thực hiện tốt công tác phân loại rác tại nguồn; Các hộ gia đình huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long chưa sẵn sàng áp dụng phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; Chi phí tài chính phát sinh do mua túi đựng rác phân loại và chi phí thu gom rác cao so với mong muốn và năng lực tài chính của hộ gia đình. Cuối cùng, tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao ý thức của người dân về các quy định của pháp luật đối với hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn huyện Long Hồ.
|