|
'Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ ''chính là một tấm vé lên chuyến tàu đặc biệt mà Nguyễn Nhật Ánh dành cho những ai có ước muốn quay trở lại thời non dại của mình. Câu chuyện bắt đầu bằng việc nhận định cuộc sống buồn chán và tẻ nhạt của cậu bé tám tuổi cu Mùi. Cậu than rằng mỗi ngày của cậu đều là sự lặp lại quen thuộc của mọi sự vật xung quanh mình, chẳng còn điều gì mới mẻ để cậu chờ đợi. Và cùng với đó là rất nhiều việc cu Mùi không thích như phải làm rất nhiều việc mình không thích theo ý mẹ như phải đi học trong khi mình còn muốn ngủ hoặc phải ăn những món mình chã hợp khẩu vị tí nào. Rồi tiếp đó là tất tần tật những bất công của “thế giới” này mà một cậu bé tám tuổi phải chịu đựng. Đó dường như là một ngày bình thường của cậu. Không chỉ thế, bằng trí tưởng tượng xen lẫn sự nghịch ngợm ngây ngô của trẻ con, Cu Mùi cùng đám bạn đã bày ra những trò chơi, từ đánh nhau đến rách áo chảy máu cho tới chơi trò vợ chồng. Chúng còn muốn “đặt tên cho thế giới” như biến mẫu gối thành búp bê, biến nón thành cuốn tập, gọi cái đầu là chân và gọi thằng bạn thân là Thầy hiệu trưởng, tự đặt tên cho bản thân như Cu Mùi gọi là hiệu trưởng, cái Tủn là tiếp viên hàng không, Hải Cò là cảnh sát trưởng còn Tí Sún là Bạch Tuyết.. Chúng cho rằng: học bài là lêu lổng; chạy nhảy, trèo cây, tắm sông, đánh lộn mới là con ngoan. Ngay đến cả bảng cửu chương, 2 nhân 4 cũng không muốn là 8, mà “phải là cái gì cũng được, miễn là khác đi”. Thậm chí, việc trái đất quay quanh mặt trời cũng là 1 việc hết sức buồn tẻ, mà trường hợp chúng là trái đất, chúng sẽ “tìm phương pháp quay theo hướng khác”. Những thay đổi đó đã tạo ra những chuyện dở khóc dở cười nhưng cuối cùng chúng cũng phải ngậm ngùi chấp nhận những chuyện đó không thể thay đổi được và trở lại như cuộc sống thường ngày. Không bỏ cuộc ở đó chúng lại bày ra trò tìm kho báu và xới tung hết khu vườn, cả câu chuyện tình yêu tuổi thơ và sự ghen tuông đáng yêu của Cu Mùi và Tủn nữa. Xuyên suốt tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” là những trò nghịch ngợm, những suy nghĩ rất đỗi hồn nhiên, trong trẻo của những đứa trẻ mà người lớn thường cho là “trò trẻ con”. Nhưng qua đó, để những độc giả đang làm cha mẹ phải ngỡ ngàng nhận ra rằng: đôi khi mình đã sai khi cho tự bản thân cái quyền phán xét con trẻ. Có ý kiến độc giả cho rằng những đứa trẻ trong truyện đã mở cả một phiên tòa phán xét người lớn. Phiên tòa ấy phản ánh rất thật, rất đúng nguyện vọng và chính đáng của tuổi thơ: đó là sự công bằng.
|